Ngày 16/9/2019, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 4570/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00076 cho sản phẩm muối “Bà Rịa”. Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này.
Theo các tư liệu Thư tịch cổ, từ thế kỷ XVII, vùng Long Điền, Phước Hưng và An Ngãi thuộc tổng Phước Hưng ngày xưa (nay là huyện Long Điền của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã được khai phá và muối biển được sản xuất phục vụ nhu cầu sinh hoạt tại chỗ. Theo Gia Định Thành thông Địa chí, ở vùng ven biển Vũng Dương thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay, người dân đã biết ngăn khoảnh ruộng nước mặn để làm ruộng muối, phơi lấy muối khô làm kế sinh nhai. Sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống của người dân địa phương với điều kiện tự nhiên đặc trưng (thổ nhưỡng, khí hậu) của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tạo ra sản phẩm muối Bà Rịa có chất lượng cao, mang các đặc trưng khác biệt với các sản phẩm muối sản xuất ở những nơi khác. Cũng vì vậy mà bao đời nay, những người làm nước mắm ở Phú Quốc (Kiên Giang) chỉ sử dụng duy nhất muối Bà Rịa để sản xuất nước mắm Phú Quốc nổi tiếng. Vị mặn thanh, không chát của nước mắm Phú Quốc được quyết định một phần do sử dụng muối Bà Rịa để ướp cá. Muối Bà Rịa theo chân ngư dân ra khơi để ủ chượp cá ngay khi đánh bắt được ở trên biển để đảm bảo độ tươi, ngon.
Danh tiếng và chất lượng đặc thù của muối Bà Rịa có được nhờ các điều kiện tự nhiên của khu vực địa lý. Tại đây có nhiệt độ không khí trung bình năm là 25,8oC, tổng số giờ nắng trung bình đạt 2.300 - 2.800 giờ/năm, lượng bốc hơi gần 1.000 mm/năm, lượng mưa trung bình năm đạt khoảng 1.548 mm/năm. Vào mùa khô (mùa sản xuất muối Bà Rịa, từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau), nhiệt độ bình quân tháng đạt 24,7 - 28,0oC, nhiệt độ cao nhất đạt 27,3 - 31,9oC, số giờ nắng trung bình giao động trong khoảng 222 - 277 giờ/tháng, tổng lượng bức xạ trung bình ngày từ 395 - 521 cal/cm2. Thời kỳ này, lượng mưa trung bình chỉ bằng 10% tổng mưa trung bình năm và dao động trong khoảng 0,3 - 26,4 mm/tháng. Ngoài ra, vào mùa khô, tại khu vực sản xuất muối có gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh. Tốc độ gió trung bình trong thời kỳ này đạt 2,3 - 5,6 m/s; tốc độ gió lớn nhất đạt 12 - 18 m/s. Các yếu tố này đã thúc đẩy quá trình bốc thoát hơi nước diễn ra nhanh và triệt để, loại bỏ hơn 90% lượng CaSO4.H2O, MgSO4, MgCl2 ngay từ sân phơi trung cấp, tạo ra hạt muối Bà Rịa có cấu trúc góc cạnh, rắn chắc, hàm lượng NaCl cao, ít tạp chất và không có “nhân nước” bên trong do được kết tinh từng lớp.
Khu vực sản xuất muối Bà Rịa có tầng sét bề mặt dày trên 40 cm. Thành phần cơ học và cấu trúc đất tầng mặt cùng với quá trình canh tác từ đời này sang đời khác làm cho các lớp đất sét ở khu vực sản xuất muối Bà Rịa sắp xếp theo chiều song song với mặt đất. Chính sự sắp xếp này dẫn đến sự hình thành tầng đất cứng (tầng đế cày) dày khoảng 15 - 20 cm ở độ sâu 20 - 25 cm. Đặc trưng của tầng đế cày trên ruộng sản xuất muối Bà Rịa có cấu trúc dạng phiến, khả năng thấm nước kém, đóng vai trò như một mặt chắn địa hóa cản trở sự xâm nhập của vật chất theo chiều thẳng đứng, giúp cho muối Bà Rịa có màu sắc trắng trong đặc thù, lẫn ít các tạp chất, khác biệt với muối sản xuất ở các vùng khác.
Muối Bà Rịa không có mùi, vị mặn thanh, không chát, không có vị đắng khó chịu là một yếu tố đặc thù tạo nên chất lượng khác biệt của muối Bà Rịa so với muối sản xuất ở các khu vực khác. Sự khác biệt về chất lượng muối như vậy là nhờ có hàm lượng NaCl cao 95,56 – 98,67%, hàm lượng Mg2+ thấp dưới 0,24% và hàm lượng tạp chất không tan trong muối thấp dưới 0,18%. Chất lượng đặc thù của muối Bà Rịa ngoài các yếu tố đặc thù về điều kiện tự nhiên, còn nhờ kỹ thuật làm da đất truyền thống của người dân Bà Rịa. Vào đầu vụ sản xuất muối, người dân sửa và đắp lại bờ hồ chứa nước biển, bờ ruộng muối, sau đó tiến hành kéo bùn sình trong ô kết tinh ra. Ô kết tinh được phơi khoảng 1 - 2 ngày cho khô mặt rồi sử dụng ống lăn, lăn nền sân phơi, ô kết tinh cho thật cứng, phẳng rồi bơm nước mặn vào các sân phơi, ô kết tinh. Sau khi phơi và ngâm từ 25 - 30 ngày, người dân sẽ rút hết nước ra khỏi sân phơi và ô kết tinh và để khô mặt ruộng từ 1 - 2 ngày để tạo lớp da đất. Sau khi thu hoạch từ 2 - 3 lần, lớp da đất ở một số vị trí của ô kết tinh có thể bị hỏng và được người dân khắc phục bằng cách tháo hết nước ót sang ô kết tinh khác rồi cho nước chạt ở sân phơi cuối cùng vào để lấy độ mặn khoảng 3 - 4 lần, nước sau đưa vào phải nhạt hơn nước trước, sau đó phơi khô và lăn lại nền cho cứng.
Khu vực địa lý: Phường Phước Trung thuộc thành phố Bà Rịa; xã Long Sơn thuộc thành phố Vũng Tàu; các xã An Ngãi, Phước Hưng và thị trấn Long Điền thuộc huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Nguồn: Cục Sở Hữu Trí Tuệ